Lịch sử hoạt động USS_Los_Angeles_(CA-135)

1945-1948

Sau chuyến đi chạy thử máy ngoài khơi vịnh Guantánamo, Cuba, Los Angeles lên đường vào ngày 15 tháng 10 năm 1945 hướng sang Viễn Đông, ngang qua khu vực bờ Tây Hoa Kỳ, và đã đi đến Thượng Hải, Trung Quốc vào ngày 3 tháng 1 năm 1946. Trong một năm tiếp theo nó đã hoạt động cùng với Đệ Thất hạm đội dọc theo bờ biển Trung Quốc và vùng biển Tây Thái Bình Dương cho đến quần đảo Mariana. Nó quay trở về San Francisco, California vào ngày 21 tháng 1 năm 1947, và được cho xuất biên chế tại Xưởng hải quân San Francisco vào ngày 9 tháng 4 năm 1948 để được đưa về Hạm đội Dự bị Thái Bình Dương.[2][3]

1951-1953

Los Angeles được cho tái biên chế trở lại vào ngày 27 tháng 1 năm 1951 dưới quyền chỉ huy của hạm trưởng, Đại tá Robert N. McFarlane. Trong những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm đối phó lại cuộc xâm chiếm của phe Cộng sản xuống Nam Triều Tiên, nó lên đường hướng sang Viễn Đông vào ngày 14 tháng 5 tham gia các hoạt động tác chiến ngoài khơi bờ biển phía Đông của Triều Tiên, và vào ngày 31 tháng 5 đã đảm nhiệm vai trò soái hạm cho Chuẩn đô đốc Arleigh A. Burke, Tư lệnh Hải đội Tuần dương 5. Trong sáu tháng tiếp theo sau, nó hoạt động dọc theo bờ biển của bán đảo Triều Tiên, trải rộng từ Hungnam ở phía Đông đến Haeju về phía Tây, nả pháo vào các vị trí đối phương dọc bờ biển.[2]

Sau khi quay trở về Hoa Kỳ vào ngày 17 tháng 12 để đại tu và huấn luyện, Los Angeles được bố trí lượt hoạt động thứ hai tại vùng biển Triều Tiên vào ngày 9 tháng 10 năm 1952, và đã tham gia vào đợt bắn phá tập trung các công sự và đài quan sát của đối phương tại Koji-ni vào ngày 11 tháng 10. Trong những tháng tiếp theo, nó tiếp tục bắn pháo hỗ trợ cho lực lượng Hoa Kỳ trên bờ, và tuần tra trong vùng biển Nhật Bản cùng các tàu sân bay nhanh của Đệ Thất hạm đội. Trong khi tham gia hoạt động bắn phá Wonsan vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 năm 1953, chiếc tàu tuần dương bị hư hại nhẹ bởi hỏa lực của pháo phòng thủ duyên hải đối phương, nhưng vẫn tiếp tục hoạt động cho đến khi lên đường quay trở về bờ Tây vào giữa tháng 4. Nó về đến Long Beach vào ngày 15 tháng 5.[2]

1953-1963

Từ tháng 11 năm 1953 đến tháng 6 năm 1963, Los Angeles được bố trí tám lượt hoạt động khác tại Viễn Đông, nơi nó phục vụ như là soái hạm của hải đội tuần dương thuộc Đệ Thất hạm đội nhằm hỗ trợ cho các hoạt động "duy trì hòa bình" tại khu vực đầy bất ổn này của thế giới. Nhiệm vụ này đã đưa nó đến suốt từ bờ biển nhật Bản cho đến biển Nhật Bản, Hoàng Hải cùng Biển Đông và Nam Trung Quốc; cùng các đơn vị của Đệ Thất hạm đội đi đến các căn cứ của Hoa Kỳ tại PhilippinesOkinawa, cùng các căn cứ Đồng Minh tại Nam Triều Tiên, Hong Kong, AustraliaĐài Loan. Trong vụ Khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ nhất năm 1955, nó đã tuần tra tại khu vực eo biển Đài Loan giúp bảo vệ cho hòn đảo này khỏi nguy cơ bị lực lượng Cộng sản Trung Quốc xâm chiếm. Ngoài thời gian được bố trí tại Tây Thái Bình Dương, Los Angeles hoạt động ngoài khơi Long Beach dọc theo bờ Tây Hoa Kỳ và tại Đông Thái Bình Dương đến tận quần đảo Hawaii. Nó quay trở về Long Beach sau đợt bố trí cuối cùng tại Viễn Đông vào ngày 20 tháng 6 năm 1963.[2]

Ngừng hoạt động và số phận

Los Angeles xuất biên chế tại Long Beach vào ngày 15 tháng 11 năm 1963, và được đưa về Hạm đội Dự bị Thái Bình Dương tại San Diego. Nó được cho rút tên khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân vào ngày 1 tháng 1 năm 1974; và bị bán vào ngày 16 tháng 5 năm 1975 cho hãng National Steel Corporation với giá tiền 1.864.380,21 Đô la Mỹ, và được tháo dỡ tại San Pedro, California sau đó.[2][3]

Cầu tàu của Los Angeles hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hàng hải Los AngelesSan Pedro, California.

Liên quan